bg-22
Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết - Giám Đốc
z4354840526953_84e8931cc0ea99f1d5d4b8b4e68a0865
3
2
Slide
z5962717911858_c90d5d0b1cbee3f28e5c5f28a2fd40e9
z6035102157774_c3d73982d0fe201917632dc9a4d450d7
z6035102139040_3b9bff2e49a5abb7851f1bc0d164e806
z6035102139073_9fe40cf879e484e38660bc0029aae965
previous arrow
next arrow

Tư vấn về vấn đề trả nợ khi tổ chức hoặc cá nhân tuyên bố phá sản

Dịch Vụ | 17/04/2023

Trước hết, chúng ta trả lời các câu hỏi trên với đối tượng là doanh nghiệp. Một tổ chức tự mình tuyên bố phá sản có giá trị pháp lý hay không? Có đồng nghĩa với việc không phải trả nợ hay không? Pháp luật quy định như thế nào về tuyên bố phá sản? Người cho vay tiền cần xử lý thế nào trong trường hợp tổ chức tuyên bố phá sản trong trường hợp họ có văn bản thể hiện cho vay hoặc không có giấy tờ biên bản thoả thuận thể hiện việc cho doanh nghiệp vay tiền?

Phá sản doanh nghiệp được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”

Như vậy, với doanh nghiệp hoặc hợp tác xã sẽ có 2 điều kiện để được gọi là phá sản: 1. Phải rơi vào trình trạng mất khả năng thanh toán và 2. Phải có tuyên bố phá sản của Toà án nhân dân có thẩm quyền.

Ở Điều kiện thứ nhất, doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, chúng ta những người dân có thể đơn giản hiểu rằng, doanh nghiệp không còn tiền, tài sản khác để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán với chủ nợ. Hoặc sau 03 tháng kể từ ngày đến thời hạn thanh toán nghĩa vụ với chủ nợ nhưng không có khả năng thanh toán thì được coi là mất khả năng thanh toán.

Ở điều kiện thứ hai, là việc tuyên bố phá sản phải do Toà án nhân dân tuyên bố thông qua Quyết định tuyên bố phá sản.

Vì vậy, một doanh nghiệp tự mình tuyên bố rơi vào tình trạng phá sản là không có giá trị pháp lý.

Pháp luật quy định về việc phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được quy định tại Luật phá sản 2014 như sau:

Thứ nhất, nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Toà án nhân dân.

Theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 Luật Phá sản 2014 những người sau có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu Toà nhân dân giải quyết yêu cầu phá sản: (1) Chủ nợ, bao gồm chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần; (2) Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp; (3) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; (4) Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh; (5) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng hoặc Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng trong trường hợp Điều lệ công ty quy định; (6) Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã;

Theo quy định tại Điều 8 Luật phá sản 2014 thì Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã nếu vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài. Hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau. Hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau. Hoặc vụ việc phá sản có tính chất phức tạp.

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và không thuộc trường hợp thẩm quyền giải quyết phá sản của Toà án nhân dân tỉnh. 

Thứ hai, hậu quả pháp lý của việc ra Quyết định mở thủ tục phá sản:

Doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục kinh doanh nhưng chịu sự giám sát và có những việc doanh nghiệp, hợp tác xã bị cấm không được thực hiện.

Theo quy định tại Điều 47 Luật Phá sản 2014 thì sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản thì doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Các hoạt động bị giám sát như: Hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản; Chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực; Thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã.

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã bị cấm thực hiện các hoạt động: Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; Từ bỏ quyền đòi nợ;  Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi

Theo Điều 52 Luật phá sản 2014, Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi.

Theo quy định tại Điều 59 Luật Phá sản 2014 thì Giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 06 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu.

Cụ thể là các giao dịch như: Giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường; Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn; Tặng cho tài sản; Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

Các giao dịch như trên của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện với công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ, công ty con, người quản lý công ty con hoặc vợ chồng, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, anh chị em ruột của người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã …. trong thời gian 18 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản thì bị coi là vô hiệu.

Thẩm phán triệu tập và tiến hành Hội nghị chủ nợ. 

Theo quy định tại Điều 83 Luật Phá sản 2014 thì Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra Nghị quyết trong đó có một trong các kết luận sau: (1) Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán; (2) Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; (3) Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp Hội nghị chủ nợ Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì Thẩm phán ra Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp Hội nghị chủ nợ Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp, hợp tác xã đó xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh có sự giám sát của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chủ nợ giám sát.

Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn mất khả năng thanh toán.

Thứ ba, Thứ tự phân chia tài sản khi Thẩm phán ra Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.  

Theo quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014, trường hợp Hội nghị chủ nợ Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn mất khả năng thanh toán thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản. Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

1. Chi phí phá sản;

2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

3. Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

4. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:

a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;

b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;

c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;

đ) Thành viên của Công ty hợp danh.

Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Như vậy, đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã còn tài sản để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán đủ cho các chi phí phá sản, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mà vẫn còn tài sản thì tài sản đó được thanh toán cho chủ nợ để trả lời cho câu hỏi các tổ chức khi bị tuyên bố phá sản có đồng nghĩa với việc không phải trả nợ hay không?

Người cho vay tiền cần xử lý thế nào trong trường hợp tổ chức tuyên bố phá sản trong trường hợp họ có văn bản thể hiện cho vay hoặc không có giấy tờ biên bản thoả thuận thể hiện việc cho doanh nghiệp vay tiền?

Bởi thực hiện thủ tục yêu cầu thanh toán nợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán là thủ tục tại Toà án và yêu cầu cần có các tài liệu chứng cứ vật chất chứng minh nghĩa vụ thanh toán nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã. Vì vậy, người cho vay nếu chưa có các tài liệu, văn bản thể hiện việc mình cho vay tiền thì cần liên hệ với doanh nghiệp, hợp tác xã để có những buổi làm việc thống nhất lại số tiền đã cho vay được ghi nhận bằng văn bản. Tại văn bản cần có chữ ký của người có thẩm quyền của doanh nghiệp và đóng dấu xác nhận.

Trường hợp người vay không thể liên hệ để thực hiện những buổi làm việc trực tiếp thì có thể gửi Email điện tử giữa mình cho doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người có thẩm quyền giải quyết khoản nợ của doanh nghiệp hoặc có những file ghi âm giữa mình và người đại diện theo pháp luật hoặc người có thẩm quyền giải quyết khoản nợ làm tài liệu, chứng cứ.

Thực tế hiện nay trong quá trình giải quyết các vụ việc thì các nội dung trao đổi tại zalo, Messeger, viber, tin nhắn điện thoại thông thường… thể hiện được các nội dung vay mượn vẫn được ghi nhận là tài liệu phục vụ việc chứng minh nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, tuỳ từng trường hợp để người vay có thể áp dụng thu thập tài liệu, chứng cứ cho phù hợp.

Như trên đã trình bày, quy trình để ra Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản doanh nghiệp thì các đối tượng có quyền, nghĩa vụ phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tới Toà án nhân dân. Thẩm phán tổ chức Hội nghị chủ nợ dựa trên Giấy đòi nợ được gửi đúng thời hạn. Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra các Nghị quyết Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản hay Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hay Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Vì vậy, khi thấy doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán, người vay cần xem xét nếu mình đủ điều kiện thì chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản người vay gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để được đảm bảo tham gia Hội nghị chủ nợ và thuộc đối tượng được phân chia tài sản theo quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014.

Cá nhân tuyên bố phá sản có giá trị pháp lý không? Có đồng nghĩa với việc không phải trả nợ hay không? Chủ nợ không có giấy tờ gì có thể làm gì?

Pháp luật chỉ quy định về phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã tại Luật Phá sản 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành và không có khái niệm phá sản đối với cá nhân. Một cá nhân tuyên bố phá sản cũng được hiểu là họ mất khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính với người cho vay. Tuy nhiên, việc cá nhân này tự tuyên bố phá sản không đồng nghĩa với việc loại trừ khả năng trả nợ đối với người cho vay. Người cho vay vẫn có quyền gửi đơn khởi kiện tới Toà án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu tuyên cá nhân đó phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho mình.

Thẩm quyền của Toà án nhân dân và hồ sơ giấy tờ cần thiết cho việc nộp đơn khởi kiện được quy định cụ thể tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Người cho vay xem xét tuỳ từng trường hợp, nếu thấy có dấu hiệu của việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể gửi đơn tới Cơ quan công an để được xem xét giải quyết.

Trường hợp người cho vay mà không có các văn bản, tài liệu chứng minh việc cho vay thì cần thực hiện các việc tương tự như phần tư vấn tại doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Trên đây là tư vấn của Luật sư.

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa

Văn phòng giao dịch tại Hà Nội: Phòng 1007 toà A6B Nam Trung Yên, đường Mạc Thái Tổ, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Văn phòng giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh: Số 5 đường 84 P10 Q6 khu Bình Phú 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

SĐT: 0984867479  (Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

-->